Nếu những năm trước đây, rau quả Thái Lan thường được xem là "mượn đường" Việt Nam để xuất khẩu qua Trung Quốc. Năm nay, Trung Quốc khó khăn, rau quả Việt lại đang cho thấy tín hiệu tích cực ở chính thị trường Thái Lan.
Giải mã nguyên nhân?
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 79,4 triệu USD (chiếm 4,5%, tăng 234,2%).
![]() |
Sầu riêng là loại trái cây được người Thái ưa chuộng |
Trong đó, mặt hàng dừa đang gây bất ngờ. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, nhập khẩu dừa trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 6,3 nghìn tấn, trị giá 383 triệu Bath (tương đương 12,29 triệu USD), tăng 208,9% về lượng và tăng 292,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thái Lan được xem là trung tâm chế biến của khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, Thái Lan có nhu cầu về sự đa dạng nguồn nguyên liệu cho chế biến.
Thái Lan nhập khẩu dừa từ 3 thị trường chính và đều tăng mạnh nhập khẩu cả về lượng và trị giá từ các thị trường này trong nửa đầu năm 2020. Trong đó, nhập khẩu dừa của Thái Lan từ Việt Nam đạt 2,28 nghìn tấn, trị giá 139,96 triệu Baht (tương đương 4,49 triệu USD), tăng 212,6% về lượng và tăng 332% về trị giá. Tỷ trọng nhập khẩu dừa từ Việt Nam chiếm tới 36% tổng lượng dừa của Thái Lan, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, nửa đầu năm 2020 đã xuất khẩu sầu riêng sang Thái Lan đạt kim ngạch trên 4 triệu USD. Doanh nghiệp này cũng đang tích cực đẩy mạnh kết nối để xuất khẩu các mặt hàng trái cây đặc sản của Việt Nam sang Thái Lan như thanh long, nhãn, vải, bơ...
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đi tìm thị trường mới. Bằng chứng là nhiều thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng và Thái Lan là một trong những điểm sáng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Đà tăng sẽ tiếp tục giữ vững
Trước đây, Thái Lan dựng hàng rào kỹ thuật về bảo vệ thực vật rất khắt khe nên tiếng là quốc gia láng giềng nhưng hàng rau quả Việt Nam rất ít khi tiếp cận sâu vào thị trường này. Tuy nhiên, sau khi được nới lỏng hàng rào, các doanh nghiệp Việt đã tận dụng rất tốt thị trường này.
Mặt khác, ông Nguyên nhận định, việc xuất khẩu rau quả trực tiếp qua các hệ thống siêu thị như Central Group cũng đang cho thấy hiệu quả. "DN, HTX chỉ cần đạt chứng nhận VietGAP theo yêu cầu của siêu thị là đã có thể đưa hàng lên kệ tại các siêu thị của Thái Lan", ông Nguyên cho biết.
Đặc biệt, dự báo về tình hình xuất khẩu rau quả sang Thái Lan trong thời gian tới, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng kim ngạch XK rau quả sang thị trường này ít nhất sẽ tiếp tục tăng trưởng lên con số 100 triệu USD trong năm nay. Những mặt hàng rất có lợi thế ở thị trường này là thanh long, nhãn, sầu riêng, dừa...
Vấn đề còn lại là phía Việt Nam cần tăng cường làm việc với Thái Lan để họ mở cửa rộng hơn cho chúng ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu rau quả. Có như vậy, mặt hàng rau quả của mình mới vào sâu hơn thị trường Thái Lan.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch CTCP Bagico, đánh giá: Việt Nam có nhiều sản phẩm ngon, hương vị hấp dẫn hơn của Thái Lan như sầu riêng, nhãn, vải thiều... Điều đó chứng tỏ nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan ngay trên thị trường của họ.
"Có nhiều sản phẩm của Việt Nam trùng lắp với Thái Lan, chẳng hạn như sầu riêng, nhưng thực tế nhiều vùng sầu riêng Việt Nam ngon hơn của họ, hay ngay quả nhãn, chúng ta luôn bị từ "Thái Lan" đứng sau ám ảnh. Tuy nhiên, tôi khẳng định những vùng trồng nhãn ở Đồng Tháp (Việt Nam) sản xuất ra quả nhãn thơm ngon hơn của Thái Lan", bà Thực chia sẻ.
Theo đó, bà đặt vấn đề: Tại sao Việt Nam không thể đưa rau quả Việt chiếm lĩnh thị trường và người tiêu dùng, khách du lịch ở trên chính đất Thái Lan? Muốn làm được điều này, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực trong việc xây dựng chuỗi liên kết, năng lực làm truyền thông, bán lẻ...
"Thái Lan có mô hình liên kết, nhà máy chế biến trái cây tạo ra những sản phẩm rất đặc trưng - cái mà Việt Nam vẫn đang còn hạn chế. Đây là điều mà nông sản Việt Nam nói chung, cũng như ngành rau quả nói riêng cần phải học hỏi cách làm của người Thái", bà Thực cho biết.
Thy Lê