![]() |
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các khu vui chơi, nghỉ dưỡng sẽ vắng khách. |
Đồng loạt hủy tour
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục du lịch, trong ba tuần vừa qua, đã có hàng chục nghìn khách du lịch trong nước hủy tour, cụ thể như Hà Nội có khoảng 32.000 khách, TP. HCM có hơn 35.000 khách hủy tour du lịch trong nước. Tại Đà Nẵng các doanh nghiệp đồng loạt hoãn, huỷ tour từ tháng 7-9/2020. Nhiều chương trình đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt… cũng bị huỷ. Tỷ lệ hủy phòng khách sạn riêng trong tháng 8 ước khoảng hơn 90%. Điều này khiến hoạt động kinh doanh lữ hành và các dịch vụ liên quan gần như ngưng trệ.
Còn tại Gia Lai, mặc dù không phải điểm nóng, nhưng trong tháng 8/2020, lượt khách và tổng thu du lịch chỉ bằng 35% so với tháng 8/2019. Cụ thể, khách tham quan du lịch ước đạt 15.000 lượt, trong đó khách quốc tế 50 lượt, khách nội địa gần 14.950 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt khoảng 13 tỉ đồng.
Đại diện Công ty Vietravel cho biết, chỉ trong hai ngày 26 và 27/7, công ty đã bị hủy 20.970 chương trình du lịch với doanh thu dự kiến là 88,6 tỷ đồng. Trong khi đó, phía Công ty Lữ hành Saigontourist có hơn 10.000 chương trình du lịch của công ty đã bị hủy...
Sun Group cũng gặp khó khăn khi Covid-19 lần thứ nhất đi qua vẫn chưa đạt được doanh thu như kỳ vọng, thì dịch Covid-19 lần thứ 2 ập đến, khiến toàn bộ Bà Nà Hill (Đà Nẵng) đóng cửa. Còn một số điểm du lịch khác ở Sapa, Phú Quốc, Quảng Ninh… của Tập đoàn này cũng vắng vẻ, đìu hiu.
Hệ thống khách sạn Tập đoàn Mường Thanh chung “cảnh ngộ”, khi hàng loạt khách sạn trên cả nước vắng khách, nhưng lãnh đạo Tập đoàn này vẫn duy trì lượng nhân viên, duy trì hoạt động của các khách sạn. Việc làm này để đảm bảo Tập đoàn chia sẻ khó khăn với người lao động, đồng thời sau dịch vẫn đảm bảo được nhân lực làm việc.
Trong khi đó, thị trường khách du lịch quốc tế vẫn đang tiếp tục “đóng băng” khiến cho du lịch Việt Nam đã khó lại càng thêm khó.
“Tận hưởng kỳ nghỉ an toàn”
Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, tình hình kinh doanh khó khăn khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp bị mất việc làm. Nhiều doanh nghiệp lữ hành và khách sạn lớn đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, buộc người lao động làm việc luân phiên hoặc cho nghỉ không lương từ 60% đến 90% nhân lực.
Để đối phó với tình trạng này, mới đây, Tổng cục Du lịch đã có buổi làm việc với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, khách sạn, lữ hành như: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Saigontourist, Vietravel, Tập đoàn Mường Thanh, Sungroup, Vingroup… để thảo luận kế hoạch khôi phục lại thị trường du lịch nội địa trong điều kiện đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 được kiểm soát.
Theo Tổng cục Du lịch, đợt kích cầu lần này sẽ hình thành và tung ra thị trường những gói kích cầu hấp dẫn không chỉ về giá mà hơn thế nữa là dịch vụ gia tăng về chiều sâu tạo ra kỳ nghỉ dài ngày hơn và nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo hơn theo khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam: Tận hưởng kỳ nghỉ an toàn, hấp dẫn”.
Trước đó, ngay từ khi dịch Covid-19 lần thứ 2 quay trở lại, một loạt Sở Du lịch các địa phương đã triển khai các giải pháp để đảm bảo các hoạt động du lịch vẫn được diễn ra, nhưng trên cơ sở an toàn phòng chống dịch.
Đơn cử như Gia Lai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh này đã xây dựng nhiều hình ảnh quảng bá điểm đến du lịch an toàn cho du khách. Các doanh nghiệp lữ hành cũng tham gia vào kích cầu giảm giá dịch vụ từ 5-50%.
Sở Du lịch TP. HCM đề xuất Bộ VH,TT&DL chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp theo hai kịch bản trong thời gian tới: Trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 9/2020, Sở Du lịch tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch trong nước; Trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV/2020, Sở này sẽ tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch…
Còn tại Sở VH,TT&DL Bình Thuận đã linh động xây dựng các gói sản phẩm du lịch mới, nhằm thu hút người dân Bình Thuận đi du lịch ngay tại địa phương để ứng phó tác động của dịch Covid-19.
Sở Du lịch Hà Nội điều chỉnh kế hoạch kích cầu theo diễn biến của dịch. Nhiều hoạt động chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội hay các sản phẩm du lịch cho mùa thu vẫn đang được Sở khuyến khích các đơn vị xây dựng.
Tại Ninh Bình, để đảm bảo an toàn phục vụ khách du lịch dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế, UBND tỉnh và của Sở Du lịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và khách du lịch.
Minh Trang