Tại buổi họp báo hôm 20/3, Ủy viên Chống độc quyền EU - bà Margrethe Vestager, cho biết Google đã có hành vi lạm dụng vị thế thống trị thị trường, cụ thể là không cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ AdSense được dùng quảng cáo của các công ty đối thủ.
“Hành vi sai trái này diễn ra hơn 10 năm, khiến các công ty khác không có cơ hội cạnh tranh theo pháp luật và hạn chế đổi mới sáng tạo”, bà Vestager nêu rõ.
Lần phạt nào cũng là tiền tỷ
Đây là án phạt lớn thứ ba mà EU dành cho Google trong vài năm trở lại đây. Năm 2018, Google phải chịu mức phạt kỷ lục 4,3 tỷ bảng Anh do lạm dụng vị thế độc quyền trên lĩnh vực di động. Trước đó một năm, “gã khổng lồ” tìm kiếm bị phạt 2,4 tỷ bảng vì thao túng các kết quả tìm kiếm mua sắm. Google hiện vẫn đang kháng cáo cả hai vụ việc.
Với án phạt mới, tổng số tiền mà Google phải nộp cho EU xung quanh cáo buộc độc quyền đã lên tới 8,2 tỷ bảng.
AdSense là một sản phẩm của Google, hoạt động như một đơn vị trung gian giữa các nhà quảng cáo và các chủ sở hữu trang web. AdSense cho phép khách hàng, bao gồm các nhà bán lẻ và các tờ báo đặt một hộp tìm kiếm Google trên website của họ. Khi người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm này, Google sẽ hiển thị các quảng cáo và chia hoa hồng với chủ website.
Ban đầu, các khách hàng AdSense không được phép sử dụng đồng thời công cụ tìm kiếm Google và của đối thủ. Năm 2009, Google cho phép các công cụ tìm kiếm của đối thủ được xuất hiện song hành, với điều kiện là hộp tìm kiếm của Google phải được hiển thị nổi bật hơn. Mãi đến năm 2016, quy định này mới được xóa bỏ.
Hiện Google đã bắt đầu thử nghiệm một định dạng mới, cung cấp cho người dùng các liên kết trực tiếp để so sánh các trang web mua sắm. Hệ thống cũng sẽ hỏi trước người dùng Android châu Âu muốn sử dụng trình duyệt nào.
Google đã nhận án phạt thứ ba và có thể là cuối cùng từ EU, trong khi đó Amazon, Apple hay Facebook đang nơm nớp chờ tới lượt mình.
Bà Vestager từng trả lời các phóng viên, hồi đầu tháng 3/2019 rằng quá trình điều tra sơ bộ về việc Amazon sử dụng dữ liệu để “khống chế” các gian hàng nhỏ trên chợ điện tử của mình đang có nhiều tiến triển và bà muốn làm sâu hơn trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay. Điều này có thể báo hiệu một cuộc điều tra toàn diện nhằm vào Amazon.
![]() |
Google bị cáo buộc đã có hành vi lạm dụng vị thế thống trị thị trường |
Các đại gia dỏng tai nghe ngóng
Bà Vestager còn hứa sẽ xem xét kiến nghị của Spotify Technology đối với cửa hàng ứng dụng của Apple, đồng thời cũng lưu tâm đến hành vi phản cạnh tranh của Facebook.
Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng áp dụng quy định phạt tiền tương đương 4% doanh thu hàng năm của công ty vi phạm pháp luật EU về bảo mật dữ liệu.
Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland đang xử lý hơn 7 vụ điều tra về quyền riêng tư nhắm vào Facebook, cùng một số cuộc điều tra khác đối với các công ty internet lớn.
Tháng 1 vừa qua, cơ quan giám sát dữ liệu của Pháp đã ra án phạt kỷ lục 50 triệu euro đối với Google, để khẳng định rằng cơ quan này đang thực hiện nghiêm túc các quy định mới.
Môi trường pháp lý đang ngày càng siết chặt các công ty công nghệ. Cách đây một tháng, EU đã chấp thuận bộ quy tắc mới áp dụng cho các nền tảng trực tuyến, theo đó các công ty internet phải giải quyết một số vấn đề là nguồn cơn dẫn đến cáo buộc chống độc quyền.
Các công ty cũng phải làm rõ các điều khoản dịch vụ, minh bạch hơn về cách xếp hạng sản phẩm và thiết lập một hệ thống xử lý khiếu nại. Bộ quy tắc mới cũng yêu cầu các công ty công bố tất cả những ưu ái tự dành cho sản phẩm của mình.
Đối với vấn đề bản quyền, doanh nghiệp internet phải trả tiền cho các nhà xuất bản và người sáng tạo ra những nội dung xuất hiện trên trang web của mình. Cơ quan quản lý EU cũng yêu cầu Twitter, Facebook và Google nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch trên internet trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Hải Châu