Ông Chu Trường Giang đã sử dụng 43 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu VAT của CTCP Viễn thông Vạn Xuân.
Không rõ thời điểm mà cổ phiếu VAT bị thao túng là khoảng thời gian nào nhưng hiện VAT đang giao dịch trên sàn chứng khoán với giá 2.200 đồng/cp, tăng gần 16% so với mức giá 1.900 đồng/cp hồi đầu năm.
Phạt mãi không hết
Cũng tại DASC, hồi cuối năm 2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an Tp.Hà Nội cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Vân Giang, nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Nội CTCK Ngân hàng Đông Á, về hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu của CTCP tư vấn thiết kế và phát triển đô thị (mã: CDO).
Qua quá trình điều tra xác định Nguyễn Vân Giang đã chỉ đạo một số nhân viên tại DASC và nhân viên môi giới khác tại các công ty chứng khoán mở 70 tài khoản, chứng khoán tại 24 công ty chứng khoán, đứng tên 40 cá nhân đều là người nhà, khách hàng, người quen của Giang. Hậu quả của hành vi này là nhiều nhà đầu tư đã mất tới hơn 90% giá trị tiền đầu tư vào cổ phiếu CDO…
Trong quý I/2019, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã nhận được văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội về việc khởi tố hình sự vụ án làm giá cổ phiếu của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã: KSA).
Áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ hình sự đối với bà Phạm Thị Hinh, Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Bình Thuận, đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCK VSM.
Trước đó, cổ phiếu KSA đã lao dốc từ 40.000 đồng/cp xuống còn 480 đồng/cp – đây là mức giá trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE. Sau khi bị hủy niêm yết, KSA đăng ký giao dịch trên UPCoM nhưng cũng đã bị đình chỉ giao dịch ngay sau đó.
Diễn biến này đã khiến nhiều nhà đầu tư "khóc dở, mếu dở", bởi cổ phiếu KSA hiện không có giá trị kinh tế.
Theo thông tin của UBCKNN, ngoài vụ việc khởi tố hình sự đối với bà Hinh, trong 3 tháng đầu năm, cơ quan này đã xử phạt 57 vụ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng.
Các vi phạm phổ biến bị xử phạt là không báo cáo giao dịch, báo cáo không đúng giao dịch, công bố thông tin sai lệch và giao dịch giả tạo nhằm thao túng chứng khoán…
Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, các nhà đầu tư cá nhân thường tin theo tư vấn của các nhân viên môi giới chứng khoán khi mua bán cổ phiếu, trong khi nhân viên môi giới có thể dựa theo chỉ thị của cấp trên tập trung tư vấn tại những cổ phiếu đang bị làm giá.
![]() |
Nhiệm vụ của nhân viên môi giới tham gia "đội lái" là tung tin đồn, đưa ra các dự báo theo kịch bản |
Lắm chiêu trò
Trong quá khứ, nhiều môi giới đã giàu lên nhanh chóng nhờ những "trận đánh kinh thiên động địa" với PVA (Dầu khí Nghệ An) tăng lên 120.000 đồng/cp, KSS (Khoáng sản Na Rì Hamico), AAA (Nhựa An Phát Xanh) lên 95.000 đồng/cp…
Khi đó, họ kháo nhau rằng chỉ cần với một mối "đội lái" nào đó, đi hô hào khắp nơi là có thể kiếm hoa hồng bộn tiền. Còn nhà đầu tư thì bị lùa vào vòng xoáy của cuộc chơi không khác gì con bạc trong casino.
Vậy "đội lái" là ai? Họ là những nhà đầu tư có kinh nghiệm có nhiều quan hệ trên thị trường, có trong tay một lượng vốn lớn (tiền mặt và cổ phiếu) liên kết với nhau, hoặc với các môi giới chứng khoán, công ty niêm yết, để thực hiện việc đánh lên hay dìm giá cổ phiếu nhằm hưởng lợi từ chênh lệch giá.
Nhiệm vụ của các môi giới tham gia "đường dây" là tung các tin đồn, tư vấn hoặc đưa ra các dự báo có lợi theo kịch bản của "đội lái".
Tuy nhiên, cái gì nhanh tăng thì cũng nhanh giảm, những cổ phiếu được "hô hào" đã lao dốc với mức độ kinh hoàng khiến nhà đầu tư mất lòng tin. Nhiều môi giới phải bỏ nghề, thậm chí vướng vòng lao lý.
Những môi giới chứng khoán có thâm niên trong nghề chắc hẳn còn nhớ nhân viên môi giới chứng khoán đầu tiên bị khởi tố vì hành vi thao túng chứng khoán là Lê Văn Truyền – cựu nhân viên của CTCK Sacombank (SBS).
Khi đó, một trong những khách hàng phải chăm sóc của nhân viên môi giới này là ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch CTCP Dược Viễn Đông, bị khởi tố vì tội làm giá cổ phiếu, nên trách nhiệm liên đới đã dội xuống với lý do đã hỗ trợ ông Dũng thực hiện các giao dịch chéo, chuyển tiền trong nội bộ các tài khoản liên quan.
Đa số ý kiến của những người đang làm nghề môi giới chứng khoán trước vụ việc này đều cho rằng đây có thể là một dạng tai nạn nghề nghiệp mà hầu như môi giới nào cũng có thế mắc phải.
Tuy nhiên, thực tế nhân viên môi giới biết rõ khách hàng đại diện cho những tài khoản nào, biết rõ khách hàng tự giao dịch chứng khoán, mà vẫn tiến hành giao dịch thì đây là hành vi cố ý và phải chịu trách nhiệm.
Thực tế, môi giới chứng khoán là người trung gian, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư. Họ là tổ chức, công ty hoặc cá nhân nhưng ranh giới giữa bảo vệ và tiếp tay cũng vô cùng mong manh, đặc biệt trong 3 nhóm hành vi gồm "Cố ý thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật"; "Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán" và "Thao túng giá chứng khoán".
Linh Đan