Các sản phẩm phái sinh được xây dựng dựa trên các tài sản cơ sở, tài sản cơ sở có thể là chỉ số, cổ phiếu đơn lẻ…, do đó diễn biến giá của sản phẩm phái sinh và giá hàng hóa cơ sở thường có mối tương quan chặt chẽ với nhau.
Trên thế giới, để thao túng giá trên thị trường phái sinh, “đội lái” thường sử dụng hình thức mua bán kéo giá chứng khoán tài sản cơ sở để thu lợi.
Dấu hiệu làm giá
Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán cơ sở đã có sự hồi phục đáng kể với 6 phiên tăng điểm liên tiếp. Thị trường phái sinh cũng ghi nhận các hợp đồng tương lai VN30 đều tăng điểm.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường chứng khoán cách đây một tuần, đặc biệt là phiên 11/7, đã khiến nhiều nhà đầu tư “choáng váng”, chỉ số Vn-Index giảm sâu, lùi về mốc 893 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 11/7, đã có lúc chỉ số Vn-Index “bay hơi” 25 điểm giảm sâu xuống còn 885 điểm, viễn cảnh Vn-Index tiếp tục tạo đáy về vùng 850 điểm, thậm chí vùng 700-800 điểm như một số dự báo từ nhiều nguồn chuyên gia, CTCK… đã được các nhà đầu tư nghĩ tới.
Để thu hẹp đà tăng trong phiên giao dịch đó, trong đợt khớp lệnh ATC, nhiều lệnh mua giá kịch trần, khối lượng mua lớn đã đẩy giá của nhiều cổ phiếu bị bán mạnh trước đó tăng cao, thậm chí tăng gần kịch trần.
Với diễn biến này của thị trường, các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi liêu đã có chuyện “đội lái” xuất hiện trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Trên thực tế, khi chỉ số Vn-Index giảm mạnh, chỉ số VN30 cũng giảm tương ứng, VN30 lại là chỉ số cơ sở cho các hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh.
Các nhà đầu tư sẽ tiến hành bán (short) hợp đồng tương lai với kỳ vọng giá giảm sâu, khi mua lại (long) sẽ càng lãi lớn. Hay nói cách khác, thị trường giảm cơ sở giảm thì short có lợi, thị trường tăng thì long có lợi.
Theo một nhà đầu tư trên thị trường phái sinh cho biết, kể từ cuối tháng 6 tới nay, biến động trên thị trường này ngày càng mạnh, trong nhiều phiên ATO, giá hợp đồng tương lai có thể chênh 10-20 điểm.
Cũng theo nhà đầu tư này, có những phiên ATC xuất hiện nhiều lệnh “khủng” lên đến cả nghìn hợp đồng, ước tính giá trị hàng trăm tỷ đồng, khiến giá hợp đồng tương lai đảo ngược hoàn toàn, từ tăng sang giảm hoặc giảm sang tăng, thậm chí có thể giảm sàn.
Về lý thuyết, một nhà đầu tư bình thường sẽ không thể dự đoán được những diễn biến này, do đó, việc nghi ngờ có “đội lái” để làm cho thị trường tăng giảm nhằm “trục lợi” là hoàn toàn có cơ sở.
![]() |
UBCKNN đã chính thức tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của các hợp đồng tương lai từ 10% lên 13% nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường phái sinh |
Không có cơ sở
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, sử dụng thị trường có quy mô nhỏ hơn để tác động vào một thị trường lớn là rất khó, thậm chí là không thể.
Hơn nữa, trong bối cảnh nhà đầu tư đang mất niềm tin vào thị trường cơ sở, việc nghe nói thị trường phái sinh hấp dẫn với khả năng sinh lời cao đã kích thích sự “tò mò” của các nhà đầu tư.
Đặc tính đòn bẩy cao và giao dịch T+0 của thị trường này khiến hoạt động mua đi bán lại diễn ra thường xuyên với số lượng lớn, dẫn đến các diễn biến khó lường là điều đương nhiên.
Việc kiếm lời trong khoảng ngắn giúp nhà đầu tư phái sinh có lãi trong bối cảnh thị trường cơ sở đi xuống. Tuy nhiên, theo thống kê, có đến 70 – 90% nhà đầu cơ thua lỗ, chỉ có 5 –7% nhà đầu tư có thể kiếm lời trên thị trường.
Cũng phải nói thêm rằng giá trị giao dịch của thị trường phái sinh những ngày cao điểm đã đạt con số 14.000 tỷ đồng. Đây là một con số “khủng” mà một hay vài nhóm “tay to” có thể có đủ sức can thiệp.
Hơn nữa, theo ông Vũ Phúc Toàn – Phó Giám đốc phòng thị trường chứng khoán phái sinh – Sở GDCK Hà Nội (HNX), để phòng tránh thao túng giá trên thị trường phái sinh, HNX đã có các giải pháp nhằm siết chặt quản lý, giám sát thành viên; phòng ngừa rủi ro của hệ thống giao dịch; thống kê cảnh báo, giám sát, an ninh, an toàn trong vận hành.
Mới đây, UBCKNN đã chính thức tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của các hợp đồng tương lai từ 10% lên 13% nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường phái sinh. Việc nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu đồng nghĩa với việc cắt giảm tỷ lệ đòn bẩy đối với nhà đầu tư phái sinh.
Cụ thể, với tỷ lệ ký quỹ 10% như trước đây, tỷ lệ ký quỹ thực tế tối thiểu các công ty chứng khoán có thể áp dụng là 12,5%, tương đương tỷ lệ đòn bẩy là 1:8.
Với tỷ lệ ký quỹ mới áp dụng là 13%, tỷ lệ ký quỹ thực tế cũng phải nâng lên tương ứng trên 16% để đảm bảo cho các CTCK không vi phạm quy chế của VSD, tương đương tỷ lệ đòn bẩy giảm xuống 1:6.
Đây là động thái hợp lý của cơ quan quản lý khi phái sinh đã “bóp méo” chỉ số và không phản ánh thực chất của thị trường.
Đồng thời là công cụ để các sở giao dịch điều tiết thị trường bằng cách điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ này phù hợp với diễn biến thị trường và mức độ rủi ro hiện hữu.
Linh Đan