Tăng 7 phiên liên tiếp đã giúp Vn – Index lấy lại khoảng 10% những gì đã mất, nhưng thị trường vẫn diễn biến theo hướng “xanh vỏ đỏ lòng”. Chỉ có số ít nhà đầu tư may mắn chọn đúng điểm rơi của thị trường mới có lãi, còn lại đa phần đều vẫn đang mất tiền.
Sau gần hai tháng tiêu cực, “cuốn bay” gần 20% điểm số của Vn-Index, thành quả của suốt năm 2017 và đầu năm 2018 gần như “mất trắng”, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục mạnh mẽ.
Hồi phục nhưng vẫn lỗ
Vừa qua, thị trường đã có 7 phiên liên tiếp hồi phục, giúp chỉ số lớn của thị trường lấy lại mốc 1.000 điểm và từng bước vượt qua. Vn-Index và HNX-Index có mức tăng lần lượt đạt 11% và 12,1% kể từ vùng đáy của ngày 28/5 đến nay.
Hành trình tăng điểm của Vn-Index vừa qua không thể không kể đến vai trò dẫn dắt dòng tiền, cũng như tâm lý nhà đầu tư của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, khi bật tăng mạnh, sau chuỗi ngày “dò đáy”.
Điển hình là cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank), tăng 32% kể từ đáy; VPB sau khi giảm 44% từ đỉnh về mức 38.800 đồng/cp, đã xuất hiện màn “cứu giá” của vợ chủ tịch, tăng 27,5%.
Bên cạnh đó, hai ông lớn của ngành ngân hàng là VCB và BID cũng lần lượt tăng 26% và 23%.
Thị trường hồi phục khiến tài khoản của các nhà đầu tư cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng so với thời điểm thua lỗ nặng, sự hồi phục này là… “chẳng bõ”.
Như trường hợp của cổ phiếu HSG, Tập đoàn Hoa Sen đã liên tiếp gặp phải những áp lực về nguyên liệu đầu vào và lãi vay. Thị giá cổ phiếu đã “bốc hơi” 60% giá trị, dù hồi phục tới 31% trong thời gian qua, các nhà đầu tư “ôm” cổ phiếu này vẫn lỗ gần 30%.
Tương tự như HSG, cổ phiếu HPG của tỷ phú USD Trần Đình Long, cũng đã giảm 27% từ vùng đỉnh 66.700 đồng/cp, hồi cuối tháng 3 về vùng giá 48.700 đồng/cp của phiên giao dịch “đen tối” ngày 28/5.
Tính tới thời điểm hiện tại, HPG đã hồi phục được 25% những vẫn chưa khiến tài khoản của cổ đông có lãi.
Ghi nhận mức điều chỉnh mạnh nhất trong vòng 5 năm niêm yết, cổ phiếu VCS của Vicostone giảm mạnh gần 40% từ vùng đỉnh, về mức 85.000 đồng/cp (28/5). Đến nay, cổ phiếu này đã tăng trở lại 23,5% trong 7 phiên vừa qua nhưng so với mức giảm gần 40% thì cổ phiếu này mới hồi phục được hơn một nửa.
![]() |
Thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục mạnh mẽ |
Lựa cách “bắt dao”
Hiện, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm hơn 22% giá trị vốn hóa sàn HoSE, chiếm hơn 27,5% giá trị giao dịch và 29% tổng lợi nhuận toàn sàn. Cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò chi phối thị trường, nên những rủi ro liên quan đến hệ thống ngân hàng cũng có thể coi là rủi ro chung của thị trường chứng khoán.
Trong tuần tăng điểm vừa qua, thị trường đón những thông tin tiêu cực về dàn lãnh đạo của BIDV, gây hoang mang cho các nhà đầu tư, bởi lo sợ “lịch sử lặp lại”. Tuy nhiên, diễn biến thị trường hoàn toàn trái ngược lại với lo ngại, BID thậm chí tăng mạnh, chỉ giảm nhẹ một phiên.
Trong báo cáo phân tích về dòng tiền vừa mới công bố, SSI cho rằng sau đợt giảm sâu, định giá của thị trường đã được đưa về mức hợp lý hơn. P/E VN-Index giảm từ 21.5x về mức 18x.
Nếu không tính VHM mới niêm yết trong tháng, P/E thị trường chỉ còn 16.1x, ngang với mức trung bình của giai đoạn đầu 2017. Thị trường chứng khoán đã quay trở lại nền định giá cũ, tăng trưởng của thị giá phù hợp hơn với mức tăng trưởng lợi nhuận.
Đáng chú ý, khối ngoại đã quay trở lại “gom hàng”, sau khoảng thời gian dài bán ròng vừa qua. Riêng trong phiên 7/6, khối ngoại mua ròng đến gần 260 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt, các nhịp điều chỉnh sắp tới có thể chỉ là diễn biến ngắn hạn, đà tăng vẫn tiếp tục duy trì, nhưng có phần suy yếu. Trong các phiên tới, dòng tiền sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân hóa rõ hơn giữa các nhóm cổ phiếu và nhóm dẫn dắt sẽ sớm bộc lộ vai trò quan trọng của mình.
Bảy phiên tăng điểm liên tiếp đi qua, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thật sự được tháo gỡ và có xu hướng “bảo vệ” thành quả. Do đó, thanh khoản có thể bị sụt giảm nhẹ.
Tâm lý này của các nhà đầu tư cũng hoàn toàn dễ hiểu khi vừa trải qua một thời gian liên tiếp “dính bẫy” tăng giá (bull trap), nhà đầu tư cảm thấy hoang mang và hoảng loạn.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích của CTCK VPBS, trong tuần tới, thị trường vẫn tiếp tục hồi phục, dòng ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân để quay lại thị trường trong các nhịp hiệu chỉnh của chỉ số, nhưng không nên tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu.
Linh Đan