Theo đó, từ ngày 16 đến hết 30/9/2015, Ngân hàng OCB sẽ bán toàn bộ 2,64 triệu cổ phiếu, chiếm 11% vốn của ORS thông qua phương thức giao dịch ngoài hệ thống. Sau giao dịch thành công, ngân hàng sẽ không còn sở hữu cổ phần tại ORS.
Cổ phiếu “trà đá”
Từ đầu năm 2015 đến nay, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ORS biến động không lớn, khối lượng giao dịch ảm đạm. Trong tháng 8 và 9/2015, giá cổ phiếu bình quân từ 2.800-3.300 đồng/CP, khối lượng giao dịch từ vài nghìn tới 554.000 đơn vị mỗi phiên.
Phiên giao dịch sáng 15/9, cổ phiếu ORS có giá 3.000 đồng/CP, tức chỉ tương đương giá của một cốc… trà đá vỉa hè. Với mức giá này, số cổ phiếu ORS thuộc sở hữu của ngân hàng có trị giá khoảng 7,92 tỷ đồng, cũng chỉ bằng khoảng 1/3 giá trị mệnh giá cổ phần.Cho nên, thời gian qua ngân hàng cũng phải đánh giá lại tài sản và trích dự phòng giảm giá cổ phiếu này.
![]() |
Giá cổ phiếu ORS sụt giảm thê thảm, chỉ còn ngang giá… trà đá vỉa hè
Cũng như nhiều công ty chứng khoán khác, vài năm gần đây, ORS cũng lâm vào tình cảnh khó khăn do thị trường suy thoái, doanh thu sụt giảm, lợi nhuận ngày càng teo tóp… Do đó, kết quả kinh doanh của ORS khiến các cổ đông, nhà đầu tư ngao ngán. Cụ thể, năm 2013, công ty bị lỗ hơn 117 tỷ đồng và năm 2014, lợi nhuận sau thuế được cải thiện ở mức 645,47 triệu đồng. Trong đó, mảng hoạt động chính là môi giới và tự doanh đầu tư chứng khoán đã tăng trưởng khả quan hơn trên 80-97%, đã giúp công ty may mắn thoát lỗ.
Tại thời điểm 31/12/2014, tổng tài sản ORS đạt 491,28 tỷ đồng, giảm 10,24% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt hơn 446,74 tỷ đồng, tăng 4,38% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn chỉ 8,46 tỷ đồng, giảm 86,95% so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận âm 209,76 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh doanh của Chứng khoán Phương Đông tiếp tục lao dốc khi các mảng hoạt động chính đều sụt giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận. Đơn cử, doanh thu môi giới giảm 25,6%, chỉ đạt 346 triệu đồng; tự doanh chứng khoản giảm mạnh từ 2,6 tỷ xuống 587 triệu đồng, doanh thu khác giảm nhẹ chỉ đạt 971 triệu đồng… Dù chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định, song ORS phải bổ sung thêm khoản trích lập dự phòng đầu tư hơn 4,6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, ORS đạt doanh thu 4,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế ở mức 3,5 tỷ đồng, tăng đáng kể so với số lãi 158 triệu đồng của năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 147,38 đồng/CP.
Tại thời điểm 30/6/2015, báo cáo tài chính cho thấy, ORS có vốn điều lệ 240 tỷ đồng, nhưng do làm ăn thua lỗ nên vốn chủ sở hữu đã hao hụt khoảng 65%, hiện chỉ còn 84,8 tỷ đồng. Công ty đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 206,2 tỷ đồng chưa phân bổ.
Những số liệu này đã cho thấy “sức khỏe” của Chứng khoán Phương Đông vẫn chưa được cải thiện và phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu ORS trên sàn chỉ ngang giá trà đá.
“Treo nợ” 380 tỷ đồng bị chiếm đoạt
Trong quan hệ cổ đông, Ngân hàng OCB và Chứng khoán Phương Đông đã có giao dịch gửi tiền, vay nợ, quản lý chứng khoán… Tại ngày 30/6/2015, ORS vẫn còn khoản tiền gửi 31,6 tỷ đồng tại Ngân hàng OCB. ORS cũng sở hữu 2,44 triệu cổ phiếu ngân hàng OCB (giao dịch OTC) với giá trị ghi sổ là 44 tỷ đồng, giá thị trường sụt giảm chỉ còn 13,4 tỷ đồng. Do đó, ORS ghi nhận giá trị dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 30,6 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, Chứng khoán Phương Đông chỉ có nợ ngắn hạn hơn 413,5 tỷ đồng, chủ yếu là 380 tỷ đồng phải trả giao dịch chứng khoán, hơn 21, tỷ đồng phải trả hộ cổ tức, nợ trái phiếu, 30,7 tỷ đồng phải trả khác…
Nhưng, đáng ngại nhất là số nợ 380 tỷ đồng – nợ phải trả cho Ngân hàng TienPhongbank (nay là TPbank) theo hợp đồng môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư trái phiếu cho ngân hàng này từ năm 2011. Hiện, hợp đồng đã tạm ngừng giao dịch và ORS có nghĩa vụ phải hoàn trả cho TPBank.
Được biết, TPbank đã chuyển 380 tỷ đồng trên tổng số 1.190 tỷ đồng cho ORS theo thỏa thuận hợp đồng, song ORS lại đem tiền gửi vào Vietinbank TP.HCM để hưởng lãi suất cao. Sau đó, toàn bộ tiền bị Huyền Như rút ra, chiếm đoạt hết cùng với hàng nghìn tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân khác.
Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án Huyền Như, đại diện Viện Kiểm sát đã xác định TPBank là bên bị chiếm đoạt 380 tỷ đồng. Song, tòa án chưa xác định được trách nhiệm bồi thường tiền là của ORS hay Vietinbank- ngân hàng có cán bộ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Do còn nhùng nhằng về pháp lý nên khoản nợ 380 tỷ đồng vẫn phải “treo” trên sổ sách của ORS suốt 4 năm qua dưới dạng “khoản phải trả trong giao dịch chứng khoán” và không trích lập dự phòng. Trong khi đó, TPBank buộc phải trích dự phòng tối đa (100% giá trị khoản nợ) với số tiền đang “mất hút” tại ORS, mà chưa hẹn ngày thu hồi được.
Với những áp lực tài chính nặng nề, chưa rõ khi cổ đông lớn- ngân hàng OCB ra đi thì Chứng khoán Phương Đông có tìm được nhà đầu tư mới, có tiềm lực, đủ sức “vực dậy” công ty hay không?
Thu Hằng