Tại Quảng Nam, cộng đồng người Cơ Tu sinh sống chủ yếu ở 3 huyện Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang. Hiện, ở các xã vùng cao những huyện này vẫn còn giữ được nhà Gươl truyền thống. Trong đó, nhiều bản làng người Cơ Tu đã khôi phục được nhà Gươl theo đúng kiểu dáng kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, hội họa truyền thống, nhất là những bức tranh điêu khắc trên gỗ rất đa dạng và sống động.
Bản sắc riêng từ nghệ thuật điêu khắc gỗ
Với người Cơ Tu, nghệ thuật điêu khắc gỗ thể hiện về thế giới cuộc sống xung quanh cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình.
Nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Cơ Tu có từ lâu đời. Từ các Gươl làng đến từng mái nhà của đồng bào đều được trang trí bằng điêu khắc đủ loại như: con người, loài vật hay những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội...
![]() |
Nếu nhà Gươl được ví như trái tim thì những tác phẩm được điêu khắc trên đó như những mạch máu để nuôi dưỡng trái tim đó (Ảnh: TL) |
Những bức tượng và những tấm tranh điêu khắc gỗ đã làm cho nhà Gươl trở thành một biểu tượng, là niềm tự hào của người Cơ Tu. Đây là nơi thể hiện những tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa trong kết cấu xây dựng nhà cửa.
Từ những phác họa đơn giản, các bức tranh điêu khắc gỗ của người Cơ Tu phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan về vũ trụ, trời đất, vạn vật và cả phong tục tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của dân tộc mình.
“Với những dụng cụ đơn sơ như rựa, rìu, đục..., các nghệ nhân người Cơ Tu đã khéo léo đục đẽo nên những bức tranh gỗ, những bức tượng đầy màu sắc và cực kỳ sinh động, thể hiện nội dung về con người, loài vật, lao động, sản xuất, những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội...”, nghệ nhân Klâu Nhím (huyện Đông Giang) cho biết.
Thông thường trong bức tranh điêu khắc, người Cơ Tu rất hay sử dụng hai màu chủ đạo là màu chàm đen và màu đỏ để trang trí. Trong đó, màu chàm đen lấy từ cây tà râm và củ ma rớt là màu của đất, còn màu đỏ từ củ nâu là màu của mặt trời. Đây là hai màu sắc của những vật thiêng không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu.
Có thể nói, đồng bào Cơ Tu luôn sáng tạo, bảo tồn và phát triển nghệ thuật điêu khắc trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Song, do chiến tranh tàn phá, các sản phẩm điêu khắc của người Cơ Tu phần nào bị phá hủy dẫn tới nghệ thuật điêu khắc bị mai một, lãng quên...
Bên cạnh đó, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, sự chuyển đổi cơ cấu lao động, ngành nghề, cộng với sự phát triển của truyền thông đại chúng khiến quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa diễn ra mạnh mẽ, trên diện rộng đã tạo ra những đứt gãy và biến đổi sâu sắc về diện mạo, bản sắc của cộng đồng người Cơ Tu, bao gồm cả nghệ thuật điêu khắc gỗ.
Không chỉ vậy, sự phát triển không đồng đều về quy mô dân số, điều kiện sống và không gian cư trú... đã trở thành rào cản, gây khó khăn cho việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào.
Lưu giữ và phát triển
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về vấn đề giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người Cơ Tu đã từng bước khôi phục nghệ thuật điêu khắc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của dân tộc mình…
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu, ngay tại các bản làng vùng cao có đông đồng bào Cơ Tu sinh sống, những nghệ nhân, già làng đã mở nhiều lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nổi bật ở huyện Tây Giang có già Clâu Blao ở xã Tr’Hy và già Briu Pố ở thôn Arớh, xã Lăng là những nghệ nhân điêu khắc tài hoa, mang tới ngọn lửa đam mê điêu khắc cho nhiều thanh niên trong xã.
Những tác phẩm điêu khắc, hội họa dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Clâu Blao đã thật sự trở thành một bảo tàng về nghệ thuật dân gian Cơ Tu. Đều đặn hằng tuần, nhiều thanh niên trong làng tìm đến nhà già Clâu Blao để học nghề điêu khắc gỗ. Chính sự nhiệt tình của già Clâu Blao đã khơi dậy niềm đam mê điêu khắc cho nhiều thanh niên ở xã Tr’Hy nói riêng và huyện Tây Giang nói chung.
![]() |
Đồng bào Cơ Tu trình diễn nghệ thuật điêu khắc gỗ (Ảnh:TL) |
Cũng là một trong những “truyền nhân” của nghệ thuật điêu khắc truyền thống của dân tộc Cơ Tu, nghệ nhân Briu Pố luôn tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy, truyền dạy về nghệ thuật điêu khắc gỗ và nhiều tri thức dân gian cho bà con cùng thế hệ trẻ.
Già Briu Pố đã chung tay với các nghệ nhân trên địa bàn huyện thực hiện nhiều công trình điêu khắc quan trọng tại Làng văn hóa truyền thống, nhà Gươl hay nhà mồ Cơ Tu và mang nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu đến với nhiều vùng, miền trên cả nước.
Không chỉ ở Tây Giang mà huyện Đông Giang cũng có những nghệ nhân giàu nhiệt huyết. Có thể kể đến như nghê nhân trẻ ALăng Blêu (1980). Không thể ngồi nhìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc dần bị lãng quên, ALăng Blêu đã tích cóp tiền bạc, tìm mua gỗ, vật liệu phù hợp và miệt mài quanh năm để tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc từ gỗ mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc mình.
Theo học nghệ nhân YKông, đến nay, ALăng Blêu không chỉ kế thừa, phát huy giá trị văn hóa điêu khắc của đồng bào Cơ Tu, mà còn chỉ dạy tận tình, truyền niềm đam mê điêu khắc cho những người trẻ trong làng. Nhờ đó, nhiều thanh niên trong vùng đã thành thạo trong việc tạo những tác phẩm điêu khắc.
Arâl Vân, thôn Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang, không giấu được niềm tự hào: “Đến học anh ALăng Blêu, em mới hiểu được giá trị truyền thống quý báu của dân tộc mình, cần phải giữ gìn cho các thế hệ mai sau, nếu không sẽ bị lãng quên”.
Thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp cũng đã hỗ trợ, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn nghệ thuật điêu khắc của người Cơ Tu.
Theo đó, huyện Tây Giang đã tổ chức Hội thi bảo tồn phát huy điêu khắc truyền thống của dân tộc ở quy mô cấp huyện. Tham dự Hội thi, mỗi xã sẽ lập ra một đội điêu khắc trẻ. Những nghệ nhân điêu khắc hoặc già làng trực tiếp hướng dẫn, dạy người trẻ về nghệ thuật điêu khắc. Việc làm này giúp cho thế hệ trẻ Cơ Tu nhận thức và lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, chính quyền tổ chức các lớp truyền nghề; trong các dịp lễ hội, hội thi văn hóa- thể thao giữa các dân tộc thường tổ chức các cuộc thi điêu khắc gỗ.
“Với sự nỗ lực trong công tác hỗ trợ nghệ nhân là người đồng bào dân tộc Cơ Tu giữ gìn và truyền bá các loại hình văn hóa độc đáo của mình, huyện đã tập hợp được gần 30 nghệ nhân tham gia các lớp chỉ dạy cho lớp trẻ về nghệ thuật, kỹ năng tạo tác các tác phẩm điêu khắc của người Cơ Tu”, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Giang cho biết.
Hải Giang