Sau sự rút lui của Uber, Grab một mình “làm mưa, làm gió” ở thị trường Việt Nam chưa được bao lâu đã xuất hiện một loạt ứng dụng công nghệ khác, như FastGo, Go-Viet, Aber, Go-ixe… Điều này cho thấy xuất hiện sự cạnh tranh không hề dễ dàng của các ứng dụng gọi xe công nghệ.
Ồ ạt phát triển
Anh Đinh Văn Hùng - một tài xế của ứng dụng xe công nghệ Grab, chia sẻ: Từ ngày Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, chính sách thưởng cho các tài xế ngày một giảm. Đơn cử, tài xế Grab phải thực hiện 20 chuyến đi trong ngày mới được thưởng. Thậm chí, phần tài xế trích trả lại cho công ty cũng cao hơn. Đối với Grabcar mức trích lại là 26%, Grabike là 20%. Trường hợp đón khách trong vòng bán kính 3 - 4 km mà đường tắc thì coi như chuyến đó lỗ, tài xế làm không công.
Cũng theo anh Hùng, sự xuất hiện của một số ứng dụng gọi xe mới đây đã mở nhiều cơ hội cho các tài xế của Grab. Họ có thể chuyển hẳn sang các công ty khác làm, nếu chính sách cho tài xế tốt hơn. Chẳng hạn như Go-Viet, trong vòng 2 - 3 tháng không thu phần trích lại của tài xế cho ứng dụng này. “Tôi cũng đang cân nhắc để chuyển hẳn sang ứng dụng gọi xe công nghệ khác”, anh Hùng nói.
Một ứng dụng gọi xe công nghệ khác là FastGo của công ty CP Công nghệ MPOS, thuộc hệ sinh thái Tập đoàn công nghệ Nexttech, do chính người Việt Nam phát triển, cũng bắt đầu gia nhập thị trường. Kỳ vọng của FastGo là sẽ chiếm lĩnh 40% thị phần ứng dụng gọi xe công nghệ trong thời gian tới. Quả là một ý tưởng mạo hiểm, khi FastoGo “chân ướt, chân ráo” gia nhập thị trường.
Khác với các ứng dụng gọi xe trên, Go-ixe là đề án khởi nghiệp của doanh nghiệp trẻ Tp.HCM đã đoạt giải nhì Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Tp.HCM, tìm hướng đi vào các thị trường ngách ở 8 tỉnh thành gồm: Bắc Giang, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Trong cuộc cạnh tranh giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ, ưu thế thuộc về Grab khi đơn vị này đang chiếm thị phần lớn trong nước. Tuy nhiên, sự ra mắt của Go-Viet, FastGo, Go-ixe… cũng khiến Grab phải dè chừng.
![]() |
Sự xuất hiện của ứng dụng gọi xe mới khiến Grab phải dè chừng |
Ai sẽ chiếm lĩnh?
Tuy nhiên, Go-Viet cũng đang đau đầu khi phải đối mặt với “gã khổng lồ” Grab đang chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Với bất kỳ chương trình thưởng, khuyến mãi nào của Go-Viet đều được Grab đáp trả bằng chương trình thưởng tương tự, thậm chí cao hơn.
Mới đây, Go-Viet có chính sách thưởng 200.000 đồng cho tài xế nếu thực hiện được 24 điểm (1 điểm tương ứng với 1 cuốc xe), ngay lập thức Grab cũng thưởng cho tài xế của mình nếu trong ngày hoàn thành 16 cuốc xe. Điều này Grab đang chứng tỏ mình là một đối thủ lớn và có thể hất tung các đối thủ của mình bằng khuyến mãi.
FastGo hiện là ứng dụng gọi xe duy nhất trên thị trường bảo vệ khách hàng trên mỗi chuyến đi bằng bảo hiểm Fast Protection với nhiều lợi ích (giá trị lên đến 200 triệu đồng) do chính người Việt Nam phát triển tại Việt Nam.
FastGo cam kết đem lại cơ hội việc làm, thu nhập tốt song song với những chương trình phúc lợi đặc biệt dành cho đối tác. Sau khi hoạt động, FastGo cũng sẽ không thu chiết khấu tài xế mà thay vào đó chỉ thu một ít phí nhỏ, không quá 30.000 đồng/ngày.
Đối với Go-ixe, lợi thế lớn nhất có thể cạnh tranh với các hãng vận tải khác đó chính là hệ sinh thái đa nền tảng, các chính sách liên quan phù hợp đến đặc điểm của người dùng, đặc điểm của từng địa phương, như: Điều chỉnh giá cước theo từng vùng miền, địa phương.
Go-ixe có nhiều chính sách ưu đãi đối với tài xế như kết hợp với ngân hàng để hỗ trợ vay đến 85% vốn mua sắm phương tiện; mua bảo hiểm 24h đối với Go-bike; hỗ trợ máy điện thoại thông minh và gói cước di động không mất phí trong nội vùng để tài xế liên hệ với khách hàng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng dù thế nào thì thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ vẫn thuộc về “ông lớn”, khi họ có sẵn thị phần, có nhiều chính sách ưu đãi cho tài xế và khách hàng. Cuộc đua về các chính sách ưu đãi, chỉ có ứng dụng nào mạnh, mang nhiều tiện ích sẽ chiến thắng.
Minh Trang