Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án trong quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy dự kiến tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành giai đoạn 2018 - 2020 chỉ đạt xấp xỉ 8.900, bằng 60% khối lượng dự kiến tại quy hoạch.
Nhiệt điện, dệt nhuộm bị “xua đuổi”
Theo Bộ Công Thương, với phụ tải cơ sở được cập nhật, luôn xảy ra tình trạng tiềm ẩn nguy cơ sự cố gây mất điện trong các năm 2020 - 2023. Xác suất mất tải của hệ thống điện miền Nam rất cao, năm 2020 - 2022 tương ứng là 373 giờ, 293 giờ và 593 giờ - mức cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện là 24 giờ. Nguy cơ xảy ra thiếu điện nếu sự cố các nguồn nhiệt điện khá lớn.
Các nguồn điện mới tại miền Nam chủ yếu là các dự án nhiệt điện than được đầu tư theo hình thức BOT chưa được khởi công xây dựng, nên không thể đáp ứng tiến độ như Duyên Hải 2 (2021 có thể chậm sang 2023), nhiệt điện Long Phú 2 (2021 - 2022), Sông Hậu (2021 - 2022), Vĩnh Tân 3 (2021 - 2023), Vân Phong (2022).
Đặc điểm chung của các nhà máy nhiệt điện BOT là có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài, do liên quan đến nhiều bộ ngành và các khoản hợp đồng phức tạp. Trong các năm tiếp theo, nếu tiến độ đàm phán và xây dựng không được bảo đảm thì đây cũng là một rủi ro, khó khăn đối với hệ thống điện Việt Nam.
Bộ Công Thương tính toán, cứ mỗi dự án nhiệt điện than với công suất 1.200 MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại miền Nam tăng thêm 7,2 - 7,5 tỷ kWh/năm.
Cùng với đó, lo ngại ô nhiễm môi trường tiếp tục là nguyên nhân khiến các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ: “Đi đâu cũng nói không được làm nhà máy điện than trong khi năng lượng tái tạo chi phí cao chưa thể phát triển nhanh. Để xin được địa điểm xây dựng nhiệt điện than rất khó, hầu hết các địa phương nói không với nhiệt điện cũ”.
Trong khi đó, theo lãnh đạo ngành Công Thương, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản tỷ lệ nhiệt điện than vẫn lớn. Khi đóng cửa nhà máy nhiệt điện cũ, họ đều phát triển thay thế các nhà máy mới với công nghệ hiện đại hơn.
Tương tự nhiệt điện than, ngành dệt may cần nguyên liệu trong nước, nhưng thực tế lại cho thấy nhiều dự án đầu tư vào dệt nhuộm đang bị ách tắc.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết có tình trạng một số tỉnh bác bỏ, trì hoãn cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm. Nếu các địa phương không cấp phép, ngành dệt may vẫn chủ yếu gia công.
Được biết, cuối tháng 6/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đầu tư dự án nhà máy dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL (Hong Kong) trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý đây là lần thứ 4 tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án này.
![]() |
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 được trang bị lò hơi hiện đại siêu tới hạn có thể xử lý được các chất độc hại ra môi trường. |
Có nên đánh đồng kì thị
Ở góc độ địa phương, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ, từng cho rằng các địa phương rất muốn thu hút DN vào đầu tư. Tuy nhiên, đối với các dự án dệt nhuộm, địa phương cần Chính phủ, Bộ TN&MT thẩm định dự án.
“Nếu dự án đó đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, cần đưa ra kết luận thông báo tới địa phương để chúng tôi yên tâm. Các bộ ngành không nên bắt địa phương phải tự tìm hiểu, vì trình độ thẩm định, công nghệ của địa phương có hạn“, ông Nam chia sẻ.
Về ngành điện, nói với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nêu quan điểm: “Chúng ta đừng chê nhiệt điện than - tư duy này không ổn đâu, không có nhiệt điện than sẽ thiếu điện”.
Theo ông Ngãi, lo sợ nhiệt điện than gây ra các loại khí thải, khí độc hại làm ảnh hưởng tới môi trường là bởi vì sử dụng công nghệ kém và lạc hậu. Nếu các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại, như được trang bị những lò hơi hiện đại siêu tới hạn, có khả năng khử được các khí độc hại như: CO2, SO2, NOx, kể cả xỉ than tồn dư cũng sẽ rất ít.
Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị, Nhà nước phải có cơ chế chính sách, chế tài đặc biệt để sử dụng xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, lót nền đường... Như vậy, không những tận dụng hết xỉ than, bảo vệ môi trường mà còn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
“Chúng ta cần phải làm những việc như vậy, thay vì chăm chăm bảo lưu quan điểm từ chối các dự án nhiệt điện than”, ông Ngãi chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng UBND các tỉnh, thành phố không nên kỳ thị và không ngăn cản ngành dệt nhuộm như hiện nay. Cần có chính sách nhất quán và thân thiện hơn đối với đầu tư dệt - nhuộm - hoàn tất bởi hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải. Đây là yếu tố cốt lõi để ngành dệt may có thể đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
Thy Lê