Tại toạ đàm "Thị trường hoá dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nguồn nước và không khí", các chuyên gia cho rằng kinh tế ngày càng phát triển đáng lẽ chất lượng sống ngày càng được nâng cao, nhưng hàng triệu người dân vẫn đang phải đối mặt với hai vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe là: Nước sinh hoạt bẩn và ô nhiễm không khí.
![]() |
Cần phải có Luật Dịch vụ công, từ đó có những khung pháp lý để bảo vệ người dân. |
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hà Nội và các tỉnh lân cận phải trải qua tình trạng ô nhiễm không khí chưa từng thấy khi hầu hết các trạm đo ở Hà Nội cho kết quả màu tím, thậm chí là màu nâu đậm, là ngưỡng nguy hại với sức khỏe.
Theo đánh giá của các chuyên gia ô nhiễm không khí là hệ quả chung do toàn xã hội gây ra. Nhưng một phần trách nhiệm trong đó cũng đến từ các nhà máy sản xuất, nơi thải ra môi trường hàng trăm thứ khói bụi và nguồn nước thải chưa được qua xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, nguồn nước và không khí ô nhiễm là hai trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư và nhiều loại bệnh khác, đặc biệt nguy hiểm tới sự phát triển của các cháu nhỏ là học sinh ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở... do thể trạng và sức đề kháng yếu.
Cụ thể, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư. Một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, tình trạng hàng triệu người dân phải chịu đựng nước sinh hoạt bẩn đã diễn ra nhiều năm nay ở các khu vực khác nhau. Điển hình trong sự cố nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu thải, khi hàng loạt bể chứa nước ăn uống sinh hoạt bị phát hiện cáu bẩn, đầy bùn thì người dân nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội bàng hoàng phát hiện ra lâu nay mình dùng nước ô nhiễm mà không hay biết.
Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc lãnh đạo Thành phố Hà Nội cần có chỉ đạo rà soát tổng thể và xử lý dứt điểm tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo an toàn.
Đánh giá về sự cố nước sạch sông Đà, ông Dũng cho rằng, sự kiện nước sạch sông Đà vừa qua ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng nhưng chủ thể là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã phản ứng quá chậm.
"Sau một thời gian dài người dân uống nước bẩn, doanh nghiệp mới thông báo ngừng sử dụng. Như vậy có thể thấy, phản ứng với sức khoẻ, sinh mệnh người dân là rất chậm", ông Dũng nói.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, qua vụ việc trên niềm tin của người tiêu dùng vào sự “kinh doanh tử tế” của doanh nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng.
Nghiên cứu tiêu dùng của Công ty IBM mới đây cho thấy, cả thế giới đang có những biến động lớn về giá trị đạo đức và xã hội. Người tiêu dùng hiện nay đơn giản chỉ muốn doanh nghiệp phải làm đúng lương tâm, làm những việc có đạo đức, đó là kinh doanh bằng sự tử tế.
Đại diện Tập đoàn Hải Âu chia sẻ, sự tử tế trong kinh doanh có thể được thể hiện qua những hành động rất nhỏ. Chẳng hạn, các sản phẩm của Hải Âu luôn chọn những linh kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhất, đưa ra chế độ bảo hành, bảo trì tốt nhất, công khai minh bạch chất lượng, xuất xứ rõ ràng.
“Đó chính là điều giá trị khi thị trường này ngày càng giống một “ma trận” bởi những thông tin chung chung, không rõ ràng từ nhiều thương hiệu khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần dự trù những rủi ro có thể xảy ra trong kinh doanh để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi có sự cố không mong muốn xảy ra”, đại diện cho hay.
Huyền Anh